MỘT SỐ BỆNH THƯỜNG GẶP TRÊN CÁ NUÔI LỒNG ,BÈ TẠI MỘT SỐ TỈNH MIỀN BẮC VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG ,TRỊ ( KỲ 2 ) HCVMNA
III. Bệnh ký sinh trùng trên cá nuôi lồng bè và biện pháp phòng trị
1. Bệnh trùng bánh xe
– Tác nhân gây bệnh:Trichodina, Trichodinella, Tripartiella
– Đối tượng nhiễm bệnh:Hầu hết các loài cá nuôi nước ngọt, đặc biệt chúng gây tác hại lớn ở gian đoạn cá hương và cá giống.
– Nơi ký sinh:Da, mang.
– Dấu hiệu bệnh:Cá nhiễm bệnh có biểu hiện điển hình như bơi lội không định hướng, nổi từng đàn lên mặt nước, một số con tách đàn bơi quanh bờ, nguyên nhân do trùng ký sinh phá hủy các tơ mang khiến cá bị ngạt thở. Khi cá bị bệnh nặng cá tiết nhiều nhớt màu trắng đục, mang bạc trắng.
– Mùa vụ xuất hiện bệnh:Bệnh trùng bánh xe xuất hiện quanh năm, nhưng phổ biến nhất vào mùa xuân và đầu mùa hạ.
– Phương pháp chẩn đoán: Soi tươi mẫu bệnh phẩm bằng kính hiển vi.
– Biện pháp phòng bệnh:
* Phòng bệnh: Áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp, không nuôi cá ở mật độ quá cao, thường xuyên treo túi vôi hoặc viên TCCA hoặc viên BKD trong lồng mỗi ngày rũ 4 – 5 lần để khử trùng môi trường nước và tiêu diệt mầm bệnh.
* Trị bệnh:
+ Tắm nước muối (NaCl) 2-3% trong thời gian 5-15 phút.
+ Dùng sulphat đồng (CuSO4) tắm với nồng độ 3-5g/m3 trong thời gian 5-15 phút hoặc treo túi thuốc trong lồng.
2. Bệnh sán lá đơn chủ
– Tác nhân gây bệnh:Sán lá đơn chủ đẻ trứng: Dactylogyrus, Ancyrocephalus, Thaparocleidus, Trianchoratus, Pseudodactylogyrus, Sundanonchus và sán lá đơn chủ đẻ con Gyrodactylus.
– Đối tượng nhiễm bệnh: Sán lá đơn chủ ký sinh trên hầu hết các loài cá nước ngọt nuôi ở các giai đoạn cá nuôi khác nhau, tuy nhiên chúng gây bệnh nghiêm trọng nhất đối với giai đoạn cá hương và cá giống.
– Nơi ký sinh: Da, mang, mắt.
– Mùa vụ xuất hiện bệnh: Bệnh thường xuất hiện vào mùa xuân và mùa thu.
– Dấu hiệu bệnh: Sán lá đơn chủ ký sinh trên da, vây, đuôi và mang cá, chúng tiết men phá hủy tế bào, tổ chức da và mang, kích thích gây cho cá tiết nhiều nhớt tại vị trí sán ký sinh. Khi nhiễm bệnh do sán lá đơn chủ, cá ít hoạt động hoặc hoạt động không bình thường, bơi lờ đờ, gầy yếu.
– Biện pháp phòng, trị bệnh
* Phòng bệnh: Áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp, không nuôi cá ở mật độ quá cao, thường xuyên treo túi vôi hoặc viên TCCA hoặc viên BKD trong lồng mỗi ngày rũ 4-5 lần để khử trùng môi trường nước và tiêu diệt mầm bệnh. Chú ý chế độ chăm sóc quản lý và thức ăn cho cá để đảm bảo cá có sức đề kháng tốt.
* Trị bệnh:
+ Tắm nước muối (NaCl) 2-3% trong thời gian 5-15 phút.
+ Dùng Thuốc tím (KMnO4) hoặc Iodine tắm với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao bì sản phẩm.
3. Bệnh trùng mỏ neo
– Tác nhân gây bệnh:Lernaea spp
– Đối tượng nhiễm bệnh: Các loài cá nuôi nước ngọt đều có nguy cơ nhiễm loại bệnh này, đặc biệt cá Mè rất nhạy cảm với bệnh này.
– Nơi ký sinh: Da, mang
– Mùa vụ xuất hiện bệnh: Bệnh xuất hiện vào mùa xuân, mùa thu và mùa đông.
Trung mỏ neo ký sinh trên cá
– Dấu hiệu bệnh lý: Trùng mỏ neo thường ký sinh ở các gốc vây, hốc mắt cá. Đầu trùng cắm sâu vào cơ cá, thân trùng lơ lửng trong nước gây hiện tượng xưng, tấy đỏ, chảy máu, cá yếu và chết. Các tổn thương trên cá tạo điều kiện cho tác nhân gây bệnh cơ hội là nấm và vi khuẩn trong môi trường nước xâm nhập vào cá. Do kích thước trùng lớn, nhìn thấy rõ bằng mắt thường, nên dễ nhận ra bệnh.
– Biện pháp phòng, trị bệnh:
* Phòng bệnh: Áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp, không nuôi cá ở mật độ quá cao, thường xuyên treo túi vôi hoặc viên TCCA hoặc viên BKD trong lồng mỗi ngày rũ 4-5 lần để khử trùng môi trường nước và tiêu diệt mầm bệnh. Chú ý chế độ chăm sóc quản lý và thức ăn cho cá để đảm bảo cá có sức đề kháng tốt.
* Trị bệnh:
+ Dùng lá xoan bó thành từng bó treo vào lồng
+ Dùng thuốc tím (KMnO4) hoặc Iodine tắm với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao bì sản phẩm.
4. Bệnh rận cá
– Tác nhân gây bệnh: Argulus, Corallana, Alitropus. Các giống rận gây bệnh cho cá nêu trên có đặc tính tự bảo vệ bản thân bằng cách thay đổi màu sắc, sao cho gần giống với màu sắc của cá. Kích thước của rận tương đối lớn, khoảng 5 -7 mm,
– Đối tượng nhiễm bệnh: Hầu hết các loài cá nuôi nước ngọt đều có thể nhiễm bệnh này.
– Nơi ký sinh: Da, mang
– Mùa vụ xuất hiện bệnh: Bệnh thường xuất hiện vào mùa xuân
– Dấu hiệu bệnh lý: Cá ngứa ngáy vận động mạnh, bơi “cuồng dại”, cường độ bắt mồi giảm. Đối với cá nuôi lồng có thể nghe tiếng lách tách ở lồng khi cá nhiễm bệnh. Rận cá kích thước lớn nên dễ dàng nhìn thấy được bằng mắt thường.
– Chẩn đoán bệnh
+ Ghi nhận các biểu hiện bệnh lý bằng mắt thường
+ Dễ dàng nhận biết bệnh do kích thước của trùng ký sinh là lớn.
– Biện pháp phòng, trị bệnh:
* Phòng bệnh: Áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp. Treo túi vôi xung quanh thành lồng với liều lượng 2-4 kg/10m3lồng hoặc viên TCCA hoặc viên BKD mỗi ngày rũ túi thuốc 4-5 lần để thuốc tan ra khử trùng môi trường nước và tiêu diệt tác nhân gây bệnh.
* Trị bệnh: Dùng KMnO4 cho vào túi treo xung quanh trong lồng.
5. Bệnh sán lá trên cá da trơn
– Tác nhân gây bệnh:Sán lá Silurotaenia siluri
– Đối tượng nhiễm bệnh: Hầu hết các loài cá nước ngọt, nhiễm nhiều nhất là cá da trơn, cá ăn cá.
– Nơi ký sinh: Gan, thận, xoang bụng.
– Dấu hiệu bệnh:Cá chậm lớn, gầy yếu, gan có cá đốm trắng, sơ gan, ruột bị viêm loét.
– Biện pháp phòng trị:
* Phòng bệnh:Áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp. Nên dùng thức ăn công nghiệp nuôi cá, không nên dùng thức ăn tươi sống, nếu dùng nên bỏ ruột cá sau đó rửa cá mồi bằng nước muối hoặc thuốc tím trước khi cho cá ăn.
* Trị bệnh: Dùng thuốc tẩy giun, sán khi phát hiện cá bị nhiễm giun tròn Procamallanus sp. và sán Silurotaenia siluri dùng thuốc tẩy giun sán Fugacar với liều lượng 150 mg/kg cá, lặp lại sau 15 ngày hoặc dùng thuốc Praziquantel với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao bì sản phẩm.
NGUYỄN THỊ HÀ – Theo Bản tin KNVN 10/2017, 06/02/2018
>>Tham khảo: Một số sản phẩm xử lý nước và các men vi sinh giúp cho tôm phát triển