CÁC GIẢI PHÁP PHÒNG CHỐNG BỆNH HOẠI TỬ GAN ,TỤY CẤP VÀ BỆNH ĐỐM TRẮNG CHO TÔM- HCVMNA
Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, toàn tỉnh đã thả nuôi được 45.000ha tôm sú và tôm thẻ, đạt 100% kế hoạch, trong đó có 9.200ha (chiếm 20,4% diện tích thả) bị thiệt hại.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đào Văn Bảy – Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: “Điều kiện thời tiết thường xuất hiện nắng nóng vào buổi sáng, chiều và tối mưa, làm cho chênh lệch nhiệt độ ngày đêm cao. Điều đó gây ảnh hưởng đến ao nuôi nhất là các yếu tố pH, độ kiềm, độ mặn, tảo… hoặc phát sinh các khí độc NH3, NO2… Đây là điều kiện thuận lợi để phát sinh bệnh trên tôm”.
Trong quá trình thả nuôi, bà con nông dân nên lựa chọn con giống đạt chất lượng, kiểm tra bằng cảm quan kết hợp với xét nghiệm bằng phương pháp PCR.
Cũng theo thông tin từ đồng chí Bảy, qua giám sát tình hình dịch bệnh từ các huyện, thị xã cho thấy: diện tích tôm nuôi bị thiệt hại nguyên nhân do các yếu tố môi trường NH3, NO2… là 5.170ha; bệnh hoại tử gan tụy cấp 2.170ha; bệnh đốm trắng 1.866ha, chiếm 20%; phân trắng 10ha. Như vậy, trong thời gian qua tôm thiệt hại chủ yếu do các yếu tố môi trường gây ra và xuất hiện hai bệnh chủ yếu là bệnh hoại tử gan tụy cấp và bệnh đốm trắng.
Để hạn chế tình hình thiệt hại trên tôm do bệnh hoại tử gan tụy cấp và bệnh đốm trắng gây ra, đồng chí Đào Văn Bảy khuyến cáo, trong việc phòng bệnh, người nuôi tôm phải tuân thủ mùa vụ thả nuôi, không nên thả tôm vào lúc giao mùa; nhiệt độ quá cao hay mưa dầm, để tránh trường hợp các yếu tố môi trường bất lợi như nhiệt độ biến động lớn và độ mặn tăng giảm đột ngột.
Quá trình cải tạo ao cần sên vét hết bùn đen từ vụ trước, diệt hết các loài giáp xác (cua, còng, tôm tạp…) có khả năng mang mầm bệnh. Ao nuôi cần có hàng rào ngăn các loại giáp xác như: cua, còng… xâm nhập vào ao nuôi và phải có lưới ngăn chim; đồng thời có hệ thống cấp thoát nước riêng biệt, có ao lắng xử lý nước.
Nguồn nước trước và sau khi sử dụng phải được xử lý, tiêu diệt mầm bệnh bằng các loại hóa chất được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép sử dụng. Nước cấp vào ao phải lọc qua lưới dày để tránh trứng và ấu trùng của giáp xác mang bệnh đốm trắng. Mức nước trong ao tối thiểu là 1,2m. Để hạn chế lây lan bệnh đốm trắng giữa các ao, không nên sử dụng chung các dụng cụ (lưới, chài, vợt…). Trước khi sử dụng, các dụng cụ cần phải được ngâm trong dung dịch Chlorine nồng độ 35ppm.
Ngoài ra, trong quá trình thả nuôi, bà con nông dân nên lựa chọn con giống đạt chất lượng, kiểm tra bằng cảm quan kết hợp với xét nghiệm bằng phương pháp PCR. Lượng thức ăn cho tôm không được thừa, sử dụng thức ăn có chất lượng và bổ sung vitamin C, beta-glucan định kỳ nhất là thời điểm mưa dầm; thường xuyên kiểm tra màu sắc cơ thể tôm, khả năng bắt mồi, tình trạng sức khỏe của tôm để kịp thời phát hiện và xử lý bệnh.
Khi các ao khác trong trại hoặc các hộ nuôi xung quanh xảy ra bệnh đốm trắng, người nuôi không nên cấp nước trực tiếp từ bên ngoài vào ao nuôi, tăng cường quản lý các yếu tố môi trường trong ao, tăng sức đề kháng cho tôm. Chủ cơ sở nuôi cần theo dõi, nắm thông tin về tình hình dịch bệnh xảy ra trong vùng, tình hình dự báo thời tiết và cảnh báo dịch bệnh của cơ quan chuyên môn để có biện pháp chủ động phòng tránh dịch bệnh.
Hiện nay, đối với bệnh đốm trắng không có thuốc điều trị, do đó khi phát hiện hoặc nghi ngờ có xuất hiện bệnh báo ngay cho cơ quan thú y gần nhất, các hộ nuôi xung quanh để có biện pháp phòng bệnh kịp thời tránh lây lan trên diện rộng. Tôm bệnh nếu đạt kích cỡ thương phẩm thì tiến hành thu hoạch, sau đó tiến hành khử trùng ao, công cụ, dụng cụ diệt giáp xác và ký chủ trung gian truyền bệnh. Những người tham gia thu hoạch tôm phải được vệ sinh cá nhân, không làm phát tán mầm bệnh. Nếu tôm chưa đạt kích cỡ thu hoạch thì phải cách ly với những ao xung quanh đồng thời vớt toàn bộ tôm bị bệnh đưa vào hố để tiêu hủy. “Cách tiêu hủy là cho vôi bột xuống đáy hố (1kg/m2), sau đó cho tôm vào hố (1 lớp tôm, 1 lớp vôi) và cuối cùng là lớp vôi trên mặt, lấp đất, độ dày của đất phủ ít nhất 1m. Phun thuốc sát trùng khu vực chôn lấp” – Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đào Văn Bảy hướng dẫn.
Còn đối với bệnh hoại tử gan tụy cấp có cách phòng bệnh là định kỳ 2 lần/tuần lấy mẫu tôm, nước, bùn kiểm tra Vibrio tổng số và Vibrio parahaemolyticus mang gen gây bệnh. Nếu kiểm tra mẫu nước hoặc bùn ao nuôi phát hiện vi khuẩn Vibrio tổng số vượt quá giới hạn cho phép (>103 cfu/ml) cần thực hiện các biện pháp điều chỉnh, làm giảm số lượng vi khuẩn Vibrio trong ao như sử dụng các chế phẩm sinh học (Bacillus spp và Lactobacillus sp…) hoặc các loại hóa chất diệt khuẩn được phép lưu hành. Nếu phát hiện Vibrio parahaemolyticus mang gen động lực gây bệnh nhưng tôm chưa chết thì phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, tăng sức đề kháng cho tôm, sử dụng men vi sinh để phân hủy mùn bã hữu cơ trong ao (kết hợp xi phông đáy ao), sử dụng vi sinh trong khẩu phần thức ăn hàng ngày, giữ ổn định các yếu tố môi trường tránh sự biến động, tăng ôxy trong ao…
Trong điều trị bệnh có thể sử dụng kháng sinh để điều trị nhưng ít có hiệu quả. Trước khi muốn điều trị bằng kháng sinh phải xác định chính xác nguyên nhân và thực hiện kháng sinh đồ để tìm ra loại kháng sinh hiệu quả nhất; tránh tình trạng lạm dụng kháng sinh sẽ dẫn đến hiện tượng kháng thuốc; ngưng sử dụng thuốc theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Với những chia sẻ kinh nghiệm nêu trên, hy vọng bà con nuôi tôm áp dụng theo để có vụ nuôi thắng lợi.
>>Tham khảo: Một số sản phẩm xử lý nước và các men vi sinh giúp cho tôm phát triển